|
||||
Khoảnh khắc kì diệu ở Manchester
Chúng tôi đã chết. Đó là tất cả những gì tôi nghĩ khi dõi theo
trận đấu đó từ băng ghế dự bị.
Trước trận đấu, tất cả chúng tôi đều nghĩ Manchester City đã là
nhà vô địch. Chúng tôi biết QPR đang chiến đấu để trụ hạng, nhưng chúng tôi cảm
thấy mình rất mạnh. Tất cả những gì chúng tôi phải làm là đánh bại họ và rồi
sẽ giành chức vô địch Premier League. Không ai tin rằng chúng tôi có thể tuột
mất danh hiệu. Chúng tôi có mọi thứ trong tay. Vì vậy, trận đấu bắt đầu một
cách khá yên bình và rồi “bang”, Zabaleta ghi bàn ở phút 39. Tỉ số là 1-0 khi
bước vào giờ nghỉ. Tôi bắt đầu thư giãn với suy nghĩ, "Chúng tôi sắp trở
thành nhà vô địch".
Sau đó QPR ghi bàn gỡ hòa chỉ 3 phút sau khi hiệp 2 trở lại. Một
bàn thua từ trên trời rơi xuống. Rồi họ bị đuổi 1 người chỉ 7 phút sau đó. Thế
nhưng, bằng cách nào đó, QPR ghi được bàn thắng thứ hai. Tất cả chỉ diễn ra
trong 18 phút. Bang, bang, bang. Thật điên rồ.
Tôi nhớ ngay sau bàn thắng thứ hai của họ, Roberto Mancini đứng
sát đường biên, nổi điên với tất cả mọi người, chỉ hét lên “M* k***! Tiến lên
nào! M* k***!”. Tôi thậm chí không biết ông ấy đang nói chuyện với ai, chỉ biết
rằng ông ấy luôn miệng chửi thề.
Tôi nghĩ chúng tôi đã chết. Như kiểu không ai có thể chịu được
áp lực. Tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng mình đã đá bay tất cả. Sau một mùa giải
tuyệt vời, chúng tôi sẽ mất tất cả mọi thứ chỉ trong một trận đấu. Cuối cùng,
Mancini tung tôi vào sân, và chúng tôi tiếp tục cố hết sức bình sinh, nhưng vẫn
không có gì xảy ra. Bóng đá đôi khi là như vậy đấy. Quả bóng luôn luôn đi ra
ngoài khung thành. Phút 89, rồi phút 90, ... chúng tôi đã chết.
Trận đấu bước vào thời gian bù giờ và tôi nghĩ chúng tôi có thêm
5 phút nữa. Nếu bạn chơi bóng đá trên Play Station và đang thua 1-2 sau 91
phút, bạn sẽ không bao giờ giành chiến thắng. Mọi chuyện đã kết thúc rồi. Đó
là điều bất khả thi.
Rồi có một quả phạt góc với David Silva là người thực hiện. Tôi
đã ghi bàn thắng bằng cú đánh đầu vào chính giữa khung thành ở thời điểm phút
91 lẻ 20 giây. Bạn có thể thấy tôi hét lên, “Cố lên nào, cố lên nào!” với mọi
người khi chạy trở lại vòng tròn giữa sân. Vẫn còn 2, 3 phút nữa để hi vọng.
Có lẽ chúng tôi chưa chết?
Sau đó, bạn biết phần còn lại rồi đấy. Tôi không rõ chúng tôi đã
làm thế nào. Chắc chắn có ai đó từ “trên kia” đã cho chúng tôi cơ hội để sống
tiếp. Mọi người thường xuyên hỏi tôi về bàn thắng của Aguero và cảm giác trên
sân lúc đó như thế nào. Thành thật mà nói, cảm xúc mạnh mẽ nhất chỉ đơn giản
là “nhẹ nhõm”. Bạn không thể tưởng tượng tôi cảm thấy nhẹ nhõm như thế nào
khi bóng đi vào lưới. Chúng tôi đã nỗ lực cả mùa với một tập thể tuyệt vời,
thể hiện rất tốt và chúng tôi chỉ cách vài giây để mất đi tất cả.
Danh hiệu đầu tiên của City sau 44 năm đã được định đoạt như thế.
Thật điên rồ. Trận đấu đó cho tôi thấy rằng trong bóng đá và trong cuộc sống,
bạn không bao giờ được bỏ cuộc. Nếu bỏ cuộc, bạn là người đã chết rồi. Chúng
tôi đã chết, và chúng tôi trở lại từ hư không.
Bạn có thể nói rằng tôi thích kể lại câu chuyện này, phải không?
Một phần của niềm vui mà tôi có được từ chuyện ấy là ghi nhớ những
đồng đội đã trở thành nhà vô địch với mình. Aguero, Silva, Yaya, Kompany, và
dĩ nhiên Mario Balotelli, một chàng trai thực sự tốt. Đôi khi truyền thông và
báo chí sẵn sàng giết cậu ấy chẳng vì lý do gì cả và tôi thực sự không thể hiểu
được. Nó giống như cậu ấy là nhân vật chính trong một bộ phim mà mọi thứ tốt
hay xấu, luôn luôn là Mario. Nhưng cậu ấy là một chàng trai vui vẻ, hài hước,
và là một nhà vô địch.
Tuổi thơ sống chung với chiến tranh
Tôi cũng may mắn khi có Kolarov và Savic, hai người con lớn lên ở
vùng Balkan như tôi. Nếu tới từ quê hương của chúng tôi và rồi trở thành nhà
vô địch Premier League, đó thực sự là một niềm tự hào không thể diễn tả. Bạn
phải nhớ rằng tôi được sinh ra ở Sarajevo trong những năm 80. Trong chiến
tranh, có những lúc tôi phải dừng chơi bóng đá trên đường phố vì còi báo động
đã tắt và chúng tôi phải đi trốn.
Khi còn là một chú nhóc, bạn không thực sự hiểu được sự nguy hiểm.
Khi lên 6 tuổi, tôi biết chuyện gì đang xảy ra, nhưng thành thật mà nói tôi
không nghĩ nhiều về điều đó. Các bậc phụ huynh là những người luôn suy nghĩ
và lo lắng. Họ là những người mang rất nhiều gánh nặng, tôi nghĩ vậy. Nếu
không có bố mẹ, cuộc sống của tôi sẽ không thể được như bây giờ. Khi chiến
tranh chấm dứt 4 năm sau đó, mọi thứ đã bị phá hủy. Không còn thành phố
nào.
Tôi nhớ bố tôi đưa tôi đến buổi tập đầu tiên tại Zeljeznicar, và
chúng tôi phải đi bắt 2 chuyến xe buýt khác nhau cùng 1 chuyến tàu điện. Mất
hơn một giờ để đến đó và chúng tôi phải tập luyện ở một trường trung học vì
sân vận động của CLB đã bị phá hủy. Dù bố phải làm việc, ông ấy vẫn dẫn tôi đến
đó mỗi ngày. Và vào cuối mỗi buổi tập, ông luôn luôn mang cho tôi một quả chuối.
Ngay cả trong những khoảng thời gian tồi tệ, bố mẹ vẫn cố gắng cho tôi và em
gái tất cả.
Mọi người đều có ước mơ. Nhưng trong thời khắc đó, khi đất nước
đang được xây dựng lại, hbạn oàn toàn không thể nghĩ gì thêm. Tôi chỉ nhớ
mình hạnh phúc đến thế nào vì có thể thực sự chơi bóng đá lần đầu tiên mà
không có còi báo động, nguy hiểm hay bất cứ thứ gì khác. Không có gì đe dọa.
Chỉ có bóng đá. Nếu tôi có một giấc mơ thì đó là được chơi cho đội một của
Zeljeznicar. Chủ yếu là để làm cho bố tôi tự hào bởi ông đã chơi bóng suốt cuộc
đời mình nhưng chưa bao giờ thi đấu chuyên nghiệp. Tôi nhớ năm 17 tuổi, một
ngày bình thường như bao ngày, khi đang cùng ông ấy ghé qua trung tâm mua sắm
địa phương thì đột nhiên, có cuộc gọi đến từ một trong những HLV của tôi -
“Ngày mai, cậu sẽ đi cùng cả đội và tham gia quá trình tập huấn tiền mùa giải”.
Tôi quay lại và nói với bố tôi. Bố hoàn toàn bối rối. Ông ấy kiểu
như, "Ai? Tại sao? Khi nào? Với ai? Cái gì????".
Đó là một khoảnh khắc tuyệt vời đối với tôi. Tôi không ngờ rằng
tôi có thể chơi ở Đức, Anh và đặc biệt là ở Italia. Đối với tôi, trong những
ngày đó, Serie A là đẳng cấp tối thượng. Vào những năm 90, có rất nhiều cầu
thủ tuyệt vời ở Italia và tôi đặc biệt mến mộ Shevchenko. Khi tôi còn là một
đứa trẻ, một trong những HLV đội trẻ đã gọi tôi là "Shevchenko", và
ông ấy nói đó là vì khuôn mặt của tôi. Nhưng tôi thích điều đó. Anh ấy là người
hùng của tôi.
Tôi sẽ không bao giờ quên khi mình được đối đầu với Sheva khi
khoác áo Wolfsburg vào năm 2008. Lúc đó, anh ấy đang đá cho Milan theo dạng
cho mượn và chúng tôi giáp mặt ở San Siro. Thật sự đáng kinh ngạc. Trước trận
đấu, tôi bắt gặp anh ấy trong đường hầm và ngay lập tức hỏi liệu tôi có thể đổi
áo với anh ấy sau trận đấu.
Anh ấy nói, “Yeah, không vấn đề gì cả”.
Vâng, tôi đoán Sheva đã biết được chuyện tôi tôn kính anh đến
nhường nào bởi vào giờ nghỉ giữa hiệp, anh ấy đã tìm gặp và đưa tôi chiếc áo
đấu của mình. Anh ấy thậm chí còn không đợi cho đến khi kết thúc trận đấu.
Tôi sẽ luôn khắc ghi điều đó. Đó là những khoảnh khắc thực sự đặc biệt.
Rome, ngôi nhà thứ hai và thêm một khoảnh khắc kì diệu
Thật thú vị bởi dù đã chơi bóng ở nhiều nước nhưng chỉ ở Rome
tôi mới cảm thấy như mình đang được ở nhà. Bosnia và Sarajevo sẽ luôn là số 1
trong trái tim tôi, nhưng Rome sẽ giữ vị trí thứ hai. “Nhà” với tôi là một
nơi tôi cảm thấy rất tốt, nơi tôi chỉ nghĩ về bóng đá, nơi không có vấn đề gì
khác, và là nơi gia đình tôi hạnh phúc. Tôi muốn đến Serie A để có thể được học
tiếng Italia, và bây giờ tôi đã gây dựng được những điều rất tốt đẹp tại đây.
Mọi người luôn hỏi tôi sự khác biệt giữa chơi bóng ở Anh và
Italia. Ở Anh là tốc độ, tốc độ và tốc độ. Ở đây là chiến thuật, chiến thuật
và chiến thuật. Những gì tôi học được trong những năm ở Serie A thật đáng
kinh ngạc. Tại nơi này, họ luôn nghĩ về từng chi tiết nhỏ nhất. Nhưng điều
tuyệt vời nhất đối với tôi là tôi có thể gọi một huyền thoại như Francesco
Totti là bạn của mình. Và tôi luôn nói với Totti rằng tôi ước mình đến đây sớm
hơn một chút, bởi anh ấy có thể giúp tôi ghi được nhiều bàn thắng hơn nữa!
Chơi một vài mùa với anh ấy cải thiện khả năng của tôi một cách rõ rệt. Totti
thấy mọi thứ trên sân và đưa quả bóng đến những khoảng trống mà tôi thậm chí
chẳng bao giờ phát hiện ra. Tôi rất vui khi đến Italia và chắc chắn đã học được
rất nhiều về bóng đá ở đây.
Chúng tôi đã có “khoảnh khắc QPR” của riêng mình ở Champions
League 2018. Trận tứ kết gặp Barcelona ấy là một trong những trận đấu mà bạn
có thể cho những cậu nhóc của mình xem lại và nói: “Hãy nhìn xem, xem trận đấu
này và các con sẽ thấy rằng mình không bao giờ được bỏ cuộc”. Trận lượt đi,
chúng tôi đã thua 1-4. Để thua 1-4 trước Barcelona và đối mặt với họ một lần
nữa, bạn sẽ nhìn ra sân và thầm nghĩ mình đã chết rồi.
Nhưng sau đó, ở trận lượt về trên sân nhà, tôi có một chút may mắn
và ghi được bàn thắng đầu tiên từ rất sớm, có lẽ là phút thứ 5 hay thứ 6. Đám
đông bắt đầu tiếp thêm cho chúng tôi năng lượng. Sau đó, chúng tôi được hưởng
quả phạt đền trong hiệp hai. De Rossi bước lên và sút vào góc phải khung
thành. Thủ môn đội bạn thậm chí còn chạm được tay vào bóng nhưng De Rossi sút
với lực đủ để bóng vẫn bay vào lưới. Bạn có được cảm giác về một cuộc lội ngược
dòng sôi sục trong người như kiểu “Có lẽ nào? Chúng ta có thể chứ?”.
Chúng tôi chạy như những con thú, làm tất cả mọi thứ có thể.
Cũng giống như năm 2012, chúng tôi hét lên, “Tiến lên nào! Cố gắng nào! Tiến
lên!”.
Sau đó, ở phút thứ 82, Manolas ghi bàn thắng thứ ba. Thật phi
thường.
Tôi đã xem lại trận đấu vào sáng hôm sau và cảm giác như chúng
tôi có thể ghi được 5 hoặc 6 bàn thắng một cách dễ dàng. Thật kì lạ khi nói
điều này bởi bạn phải đối mặt với Barcelona nhưng đó không phải là một phép
màu. Họ thực sự không có nhiều cơ hội. Chúng tôi làm chủ trái bóng hoàn toàn.
Về mặt chiến thuật, chúng tôi cũng thực hiện hoàn hảo.
Chúng tôi đã chết và sau đó hồi sinh. Điều đó đã xảy ra ở
Manchester và giờ là ở Rome. Nó có thể xảy ra ở bất cứ đâu. Đó là bóng đá.
Giờ tôi đã 34 tuổi và không chắc chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Tôi chắc chắn muốn đưa Bosnia đến một giải đấu tầm cỡ quốc tế khác. Tôi rất
hãnh diện khi đem lại một chút hạnh phúc cho đất nước của mình vào năm 2014.
Hãy tưởng tượng, lần đầu tiên Bosnia đến World Cup, chúng tôi đã có màn ra mắt
tại Maracana với đối thủ là Argentina. Nó giống như giấc mơ thành hiện thực.
Tôi chỉ ước chúng tôi có thể ngăn chặn Messi ghi bàn!
Sau kì World Cup đó, tôi chắc chắn nghĩ rằng có điều gì đó đã
thay đổi ở quê hương mình. Khi tôi còn là một đứa trẻ lớn lên ở Bosnia, thần
tượng bóng đá của chúng tôi luôn là những ngôi sao từ các quốc gia khác nhau.
Nhưng bây giờ khi tôi quay trở lại Sarajevo, bọn trẻ nói về những cầu thủ
Bosnia ngày càng nhiều, đặc biệt là những người như Miralem Pjanic và điều đó
khiến tôi thực sự hạnh phúc.
Sau chiến tranh, chúng tôi đại diện một thế hệ của những chú
nhóc với mơ ước giản đơn. Chúng tôi chỉ muốn chơi bóng đá trong hòa bình. Bây
giờ, tôi được tận hưởng thứ bóng đá của riêng mình và cũng tìm thấy sự bình
yên của bản thân. Đó là cuộc đời của tôi. Tôi muốn ra sân chơi bóng và xem mọi
trận đấu mình có thể, nghiêm túc đấy. Đôi khi vợ tôi sẽ bắt gặp tôi trong
phòng khách xem Serie A hoặc Premier League hay một trận đấu trên truyền hình
và cô ấy sẽ hỏi, "Bóng đá như vậy đã đủ chưa?”.
Tôi chỉ cười. Cô ấy nên biết câu trả lời ngay bây giờ. Không, tất
nhiên, không bao giờ là đủ...
|
||||
Nổi muộn hơn lứa thế hệ của
Công Phượng nhưng Hùng Dũng lại trưởng thành nhanh chóng nhờ nỗ lực không ngừng.
Có thể xem đây là hình mẫu cho lứa thế hệ trẻ của bóng đá Việt Nam.
|
||||
Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020
Tin mới: Edin Dzeko: Người trở về từ ‘cõi chết’
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét